MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

Thứ ba - 10/09/2024 21:38 18 0
(Chinhphu.vn) - Các chỉ đạo ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2024.
MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

Hà Nội: Báo động lũ cấp II trên sông Hồng

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 1.

Mực nước sông Hồng đã lên mức báo động 2. Ảnh:VGP

Đêm 10/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội ban hành Lệnh số 61/L-BCH, báo động lũ cấp II trên sông Hồng, căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 23h30 ngày 10-9 là 10,50m (mực nước báo động II là 10,50m). 

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hà Nội ban hành lệnh báo động lũ cấp II trên sông Hồng vào hồi 23h30 ngày 10-9, tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh báo động II.

Báo động cấp II là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức trung bình. Nước lũ bắt đầu gây ảnh hưởng ngập lụt và tác động xấu đến dân sinh, kinh tế, xã hội.

Chủ động cân đối nguồn lực để khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng biểu dương tinh thần chia sẻ của 2 địa phương 

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Công văn số 685/TTg-KTTH ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ gửi Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh.

Công văn nêu: Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh là 02 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3. Tại các cuộc họp, làm việc với 02 địa phương, Thủ tướng Chính phủ dự kiến hỗ trợ mỗi địa phương 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. 

Tuy nhiên, với tinh thần tự lực, tự cường, tương thân, tương ái, Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh báo cáo sẽ chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và dành nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương khác khó khăn hơn.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, tự lực, tự cường của thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, sự chia sẻ của 02 địa phương với ngân sách trung ương và các địa phương khó khăn bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc kiểm tra, làm việc với tỉnh Cao Bằng về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 3.

 

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thị sát cầu Sông Hiến, thành phố Cao Bằng - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Báo cáo của tỉnh Cao Bằng cho biết do ảnh hưởng của bão số 3, các khu vực trong tỉnh mưa to đến rất to, xảy ra ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Cụ thể, về người, tại địa bàn huyện Nguyên Bình có 24 người chết, 12 người bị thương, 31 người mất tích. Tỉnh đang thống kê và tìm kiếm số người mất tích.

Về nhà ở, tổng cộng 1.065 nhà ở bị thiệt hại; trong đó có 22 nhà thiệt hại hoàn toàn.

Về giao thông có gần 200 điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã bị tắc do sạt lở, ngập lụt.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành trong đoàn công tác bày tỏ xúc động với những mất mát rất nặng nề về con người mà bà con Cao Bằng gặp phải do mưa lũ gây ra (trong đó có cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thầy cô giáo, học sinh,…).

Các đại biểu đề nghị các cấp các ngành đồng loạt vào cuộc, huy động tối đa con người, phương tiện để hỗ trợ Cao Bằng khắc phục nhanh nhất hậu quả mưa lũ gây ra. Rà soát toàn bộ các hộ gia đình gặp khó khăn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, không để đồng bào bị đói, bị rét, không có nhà ở.

Chia sẻ với những khó khăn của Cao Bằng, đồng thời các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết trong lúc này phải đặt an toàn lên trên hết, không được chủ quan, bởi ngay trong quá trình đoàn di chuyển lên Cao Bằng cũng xảy ra 1 vụ sạt lở.

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 4.

 

Do ảnh hưởng của bão số 3, các khu vực trong tỉnh Cao Bằng có mưa to đến rất to, xảy ra ngập lụt - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Nhận định tình hình mưa lũ còn rất phức tạp, đất đã no nước, nguy cơ sạt lở còn rất lớn, do đó không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, trước mắt cần khuyến cáo người dân và các phương tiện hạn chế di chuyển trên những tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao; khẩn trương rà soát các vị trí đang sạt lở, các địa điểm có nguy cơ sạt lở cao để có biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả; tăng cường lực lượng canh chốt "điểm đen"; tuyệt đối không cho người, phương tiện di chuyển qua những khu vực không an toàn; khẩn trương tìm kiếm người mất tích;…

 

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 5.

 

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Cao Bằng - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Về lâu dài cần có giải pháp công trình, phi công trình để hạn chế tối thiểu tình trạng "cứ mưa là sạt lở, chết người".

Nhấn mạnh đề xuất cần chi viện nhiều hơn nữa cho Cao Bằng, đại diện các bộ, ngành cũng trao đổi với tỉnh Cao Bằng về việc khôi phục hệ thống điện; bảo đảm thực phẩm hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là các địa bàn đang bị cô lập; bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ; bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân; khắc phục mưa lũ tại các cơ sở giáo dục để học sinh sớm được đến trường…

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 6.

Bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại văn bản số 11261-CV/VPTW ngày 09 tháng 9 năm 2024, tiếp theo chỉ đạo tại các buổi làm việc kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại một số địa phương những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

 Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ nêu trên với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân là trên hết, trước hết để trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng:

 Với tinh thần khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn); cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng.

Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.

 Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 12 tháng 9 năm 2024; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh.

 Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các quân khu và đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) tiếp cận bằng được để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, hàng cứu trợ,… cho người dân vùng còn bị chia cắt; hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.

 Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp đủ cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.

Sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, các tuyến giao thông trọng yếu, bảo đảm sóng viễn thông

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 7.

Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, trong đó ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, các hoạt động sản xuất quan trọng; có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo khẩn trương vệ sinh trường lớp, khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ; vận động toàn ngành, toàn quốc hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại học bình thường.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông trọng yếu phục vụ công tác vận chuyển hàng cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời đảm bảo giao thông an toàn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, chỉ đạo các tập đoàn viễn thông bảo đảm sóng cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ cho Nhân dân.

Kịp thời hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm

 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là các hộ ở vùng bị cô lập.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật; kịp thời phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất cấp thẩm quyền xuất cấp gạo cho các hộ có nguy cơ thiếu đói theo đúng quy định và thẩm quyền.

Bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu.

Chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ.

 Chỉ đạo tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm 2024 và Tết nguyên đán.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ theo quy định.

Tìm mọi biện pháp có thể để kiểm soát nước lũ từ thượng lưu chảy về hồ Thác Bà

 Các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái tìm mọi biện pháp có thể để kiểm soát nước lũ từ thượng lưu chảy về hồ Thác Bà. Thành phố Hà Nội, các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nhất là Yên Bái chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến trưa ngày 10 tháng 9 năm 2024.

 Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này.

 Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh./.

Xuất cấp gạo cứu trợ nhân dân 14 địa phương bị ảnh hưởng bão số 3

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 8.

Xuất cấp 200 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 14 địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3 năm 2024.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 953/QĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 14 địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3 năm 2024.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 200 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các Bộ: Công an, Quốc phòng (mỗi Bộ 100 tấn gạo) để cứu trợ cho Nhân dân các địa phương: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2024.

Khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 9.

Thủy điện Thác Bà xả lũ

 Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Công điện số 91/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bí thư, Chủ tịch UBND 3 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.

Theo Công điện, hiện nay, mực nước thượng lưu hồ thủy điện Thác Bà đang ở mức rất cao, lưu lượng đến hồ vượt quá khả năng xả lũ thiết kế của hồ.

Để đảm bảo an toàn cho hồ thủy điện Thác Bà, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng chí Bí thư và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, triển khai thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu dòng chảy về hồ thủy điện Thác Bà.

Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này. 

Thủ tướng chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, khắc phục hậu quả bão số 3

 Trưa 10/9, ngay sau khi kiểm tra tình hình thực tế, tại trụ sở Thị ủy Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến, được kết nối trực tuyến với một số điểm cầu tại các tỉnh, thành phố Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội về công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, khắc phục hậu quả bão số 3, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, an toàn, đời sống nhân dân trên địa bàn các tỉnh.

Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại điểm cầu Yên Bái, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tại điểm cầu trụ sở Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 10.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, được kết nối trực tuyến với một số điểm cầu về công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, khắc phục hậu quả bão số 3 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Giang, Yên Bái nói riêng và các địa phương đang có mưa lũ, thiên tai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các nội dung tại các cuộc họp và 5 công điện của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của các Phó Thủ tướng về phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, sạt lở, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần là đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết trong lúc này để đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả; không để ai bị đói, bị rét, bị thiếu chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, người bệnh phải được chữa bệnh.

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 11.

 

Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tất cả các cơ quan, lực lượng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải tích cực, chủ động nắm tình hình, phản ứng kịp thời khi tình hình xấu có thể xảy ra, những vấn đề vượt quá thẩm quyền phải báo cáo. Các địa phương phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong khắc phục hậu quả mưa bão với sự hỗ trợ của Trung ương.

Yên Bái công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 12.

Tiếp tục rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để có phương án di chuyển kịp thời.

Ngày 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vừa ký ban hành Quyết định 1814/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái với tình huống: Mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập úng.

Phạm vi ảnh hưởng: Trên địa bàn 09 huyện, thị xã, thành phố.

UBND tỉnh Yên Bái nêu rõ các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng và phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng Sở, Ngành, Địa phương trong tỉnh.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Đài khí tượng thuỷ văn Yên Bái, trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch và biện pháp phù hợp ứng phó nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tiếp tục rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để có phương án di chuyển kịp thời.

Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đến nơi an toàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát tình hình của mưa lũ và tình hình thực tế của các địa phương, chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn cho học sinh đến lớp hoặc nghỉ học theo quy định;...

 Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt tại Thái Nguyên 

 

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 13.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thị sát, kiểm tra tình hình lũ trên sông Cầu tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

 Sáng 10/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đến thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt tại Thái Nguyên. 

Kiểm tra đập Ba Đa, địa điểm xung yếu nhất của tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị tỉnh bảo vệ an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân. Khi nước rút, huy động lực lượng, nhanh chóng làm sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhân dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.

 

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 14.

 

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thăm, động viên một gia đình hộ dân bên chân đập Ba Đa - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Xúc động đón Phó Thủ tướng trực tiếp đến thăm, động viên nhân dân bên chân đập Ba Đa, đại diện người dân bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Phó Thủ tướng đã quan tâm, động viên, chăm lo, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân trong mưa lũ.

"Thiên tai là điều không ai muốn, đây là khó khăn chung, bà con sẽ cố gắng đoàn kết, nhường cơm sẻ áo để cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống", đại diện người dân khẳng định với Phó Thủ tướng.

Tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên, báo cáo với Phó Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết đây là trận lụt lịch sử, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã tập trung cả hệ thống chính trị để ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ. 

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các bộ, ngành cũng kiến nghị với Trung ương xử lý một số vấn đề liên quan đến việc xử lý đê hữu sông Cầu để giúp tỉnh xử lý dứt điểm trình trạng ngập lụt trong tương lai...

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 15.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thăm hỏi, động viên nhân dân tại nơi sơ tán - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Phó Thủ tướng thay mặt lãnh đạo Chính phủ biểu dương tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phòng, chống bão số 3 và mưa lũ sau bão với kế hoạch thống nhất, nhịp nhàng, cho nên dù đối mặt với trận lụt lịch sử nhưng thiệt hại ở mức thấp nhất về tài sản, không có thiệt hại về người, bảo đảm an ninh trật tự, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Qua cơn bão số 3, Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh rút ra những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là vấn đề ứng phó mưa lũ sau bão. Đây là vấn đề không thể chủ quan vì từ giờ đến cuối năm dự báo còn nhiều cơn bão nữa. Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm xử lý thông tin trên mạng xã hội; chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời phản bác các thông tin không chính xác, để nhân dân yên tâm.

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 16.

Phó Thủ tướng động viên lực lượng phòng, chống bão lụt tại phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Những ngày quá, do ảnh hưởng của mưa lũ, tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khá nghiêm trọng.

Trên địa bàn thành phố có 81 xóm, tổ dân phố của 17 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, trong đó có 20 xóm, tổ dân phố bị cô lập.

Mực nước sông Cầu dâng cao cũng đã gây ngập lụt trên diện rộng tại 8 xã ven sông ở huyện Phú Bình (gồm: Thượng Đình, Đào Xá, Bảo Lý, Nhã Lộng, Xuân Phương, Úc Kỳ, Nga My và Hà Châu).

Tại TP. Phổ Yên, khu vực Phú Cốc thuộc phường Tân Phú (gồm 4 tổ dân phố: Bến Cả, Đồng Lẩm, Đình Phú Cốc, Lợi Bến) với khoảng 400 hộ dân cũng bị ảnh hưởng khi mực nước sông Cầu dâng cao,

Đề nghị tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó; không được chủ quan khi nước rút, tránh để tai nạn xảy ra; có kế hoạch khắc phục ngay những nơi ngập sâu, không để xảy ra dịch bệnh sau ngập lụt; cứu trợ, cứu đói cho dân;... đặc biệt là khắc phục cơ sở hạ tầng: Đường, điện, thông tin, giáo dục, y tế,... để sớm đưa học sinh đến trường, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc khắc phục hệ thống điện phải nhanh nhất nhưng cũng phải đảm bảo an toàn.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với kiến nghị của tỉnh Thái Nguyên về hỗ trợ nguồn lực chống bão, khắc phục hậu quả sau bão; nâng cấp hệ thống đê hữu sông Cầu;..

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh phải đặc biệt quan tâm đến việc phục hồi sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp,... sớm trở lại bình thường.

Mưa lớn còn gây ngập úng cục bộ, nguy cơ xảy ra sạt lở tại một số khu dân cư ở các xã Văn Lăng, Hóa Trung, Văn Hán, Khe Mo, Nam Hòa, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Mưa to và gió giật mạnh khiến mực nước ở nhiều sông, suối trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và TP. Sông Công dâng cao, gây ngập úng cục bộ; một số xã, thị trấn và trường học bị chia cắt; nhiều hộ dân phải di dời người, tài sản…

 Phó Thủ tướng Lê Thành Long kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại Yên Bái

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 17.

 

Phó Thủ tướng đề nghị Quân khu 2 huy động số xuồng hiện có để hỗ trợ người dân - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Sáng 10/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long và đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại tỉnh Yên Bái, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh sức khỏe, tính mạng của nhân dân là cao nhất, phải quyết tâm tối đa để không xảy ra sự cố đáng tiếc.

Phó Thủ tướng đề nghị Quân khu 2 huy động số xuồng hiện có để hỗ trợ người dân. Tập trung cao cho công tác cứu hộ, cứu nạn; bằng mọi cách cứu hộ 3 người dân đang mắc kẹt trong mưa lũ (hiện đan bám vào cột điện). Khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho khu vực bị ảnh hưởng.

Triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. 

Theo báo cáo ngày 10/9 của UBND tỉnh Yên Bái, trên địa bàn tỉnh có 28 người chết và mất tích, trong đó: 22 người chết do sạt lở đất (huyện Văn Chấn 1 người; huyện Lục Yên 11 người; thành phố Yên Bái 10 người); 6 người mất tích (huyện Lục Yên 2 người, thành phố Yên Bái 4 người). 10 người bị thương, trong đó: TP. Yên Bái 3 người, Lục Yên 5 người, Văn Yên 2 người.

Thiệt hại về nhà ở: 13.558 nhà, trong đó, 40 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 2.337 nhà phải di dời người và tài sản để bảo đảm an toàn; nhiều nhà bị tốc mái. 10.399 nhà bị ngập nước, trong đó 7.934 nhà ở thành phố Yên Bái.

Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng là hơn 4.017 ha.

Thủ tướng kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại tỉnh Bắc Giang

 Sáng 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát tình hình, kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại tỉnh Bắc Giang - một trong những địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, thiên tai.

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 18.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó thiên tai tại xã bị cô lập của Bắc Giang - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Bắc Giang, Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên người dân và các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại xã Vân Hà, thị xã Việt Yên.

Đây là xã nằm ven sông Cầu, có 9.000 dân, đang bị chia cắt.

Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó thiên tai; rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực mất an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở.

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 19.

 

Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó thiên tai; rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực mất an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân, không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế... Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình nhân dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước sạch, tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm, lương khô và các nhu yếu phẩm đến tận tay người dân.

Lực lượng quân đội, công an, chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, mì tôm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm… trong thời gian nhanh nhất có thể, đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

 

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 20.

Xã Vân Hà, huyện Việt Yên là xã nằm ven sông Cầu, có 9.000 dân, đang bị chia cắt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Lúc 18h ngày 9/9, mực nước trên sông Cầu tại Trạm thủy văn Đáp Cầu 5,53 m (trên báo động 2 là 0,23 m); nước trên sông Thương tại Trạm thủy văn Phủ Lạng Thương 6,11 m (trên báo động 2 là 0,81 m); trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,6 m (trên báo động 3 là 0,3 m).

Dự báo mực nước trên các sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam tiếp tục lên và duy trì ở mức trên báo động 3. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang vừa phát lệnh báo động số 3 trên sông Thương…

Trong ngày 9/9, lực lượng chức năng tại Bắc Giang đã kịp thời hỗ trợ nhiều người dân di dời đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động 4.627 lượt cán bộ, chiến sĩ với 74 ô tô các loại, 10 xuồng cao tốc tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các địa phương…

Thiệt hại sơ bộ do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 300 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã có một người thiệt mạng do thiên tai.

 Chủ tịch thành phố Hà Nội ra công điện khẩn khẩn ứng phó lũ lớn trên các sông

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 21.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra

 Mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống đang lên rất nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn. Để chủ động ứng phó với lũ lớn, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND.

Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h: theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố khi có sự cố, tình huống bất thường; duy trì liên lạc thường xuyên với các địa phương, đơn vị để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời. 

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 22.

Nước sông Hồng dâng cao ở khu vực huyện Mê Linh sáng 10/9.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời, hiệu quả. 

Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.

Chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.

CẢNH BÁO 16 TỈNH THÀNH TIẾP TỤC NGUY CƠ XẢY RA LŨ QUÉT VÀ SẠT LỞ ĐẤT ĐÁ TRONG 6H TỚI

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 23.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân

Vào lúc 9h20 ngày 10/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong 03-06 giờ tới, khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa.

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trong bảng dưới đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 06 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện (chi tiết phụ lục 1)
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 24.

 

Khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 25.

Khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, mì tôm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 9/9/2024 về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn.

Để nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân, không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế và các cháu học sinh sớm được đến trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, mì tôm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm… trong thời gian nhanh nhất có thể.

Bộ trưởng Bộ Tài chính xuất cấp cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an 100 tấn gạo/Bộ từ dự trữ quốc gia để chủ động vận chuyển đến các địa phương thiếu gạo bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (chú ý không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí).

Đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên chỉ đạo các cơ quan chức năng:

Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nắm chắc tình hình nhân dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước sạch; tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm, lương khô và các nhu yếu phẩm đến tận tay người dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 một cách nhanh nhất, đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Rà soát, khẩn trương sửa chữa, khôi phục các cơ sở y tế bị hư hại do ảnh hưởng của mưa, bão, lũ để kịp thời cứu chữa những người bị thương và chăm sóc sức khỏe của người dân.

Rà soát, khẩn trương sửa chữa, khôi phục trường, lớp học bị hư hại do ảnh hưởng của mưa, bão, lũ để các cháu học sinh sớm được đến trường, không làm ảnh hưởng lớn đến việc học hành của các cháu.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện này.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động tối đa nguồn lực và các lực lượng để ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 26.

ổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

 Chiều 9/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư biểu dương tinh thần nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng quân đội, công an và nhân dân trong triển khai phòng, chống bão số 3 vừa qua.

Các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông đã tích cực tuyên truyền góp phần cảnh báo và để nhân dân chủ động ứng phó từ sớm, từ xa.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi lời chia buồn tới người thân, gia đình các đồng chí đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ; chia sẻ với những mất mát, đau thương của các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thiệt hại nặng nề do bão số 3.

Trước tình hình mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động tối đa nguồn lực và các lực lượng để ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Trước mắt, các địa phương vùng bị ảnh hưởng bão hạn chế các hoạt động khác, tập trung cho việc cứu trợ, cứu nạn; triển khai các phương án tiếp cận người dân để hỗ trợ đồ ăn, nước sạch giúp đỡ người dân vượt qua thời gian khó khăn. Sử dụng các phương tiện, biện pháp để tiếp cận nhanh những vùng bị chia cắt do lũ lụt.

Bên cạnh những việc đã phân công theo đúng chức năng, nhiệm vụ, từng bộ, ngành, địa phương, các lực lượng phải chủ động bám sát để thực hiện, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ.

Các địa phương trong cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ các địa phương đang gặp khó khăn, trong đó phân công rõ ràng việc hỗ trợ đối với các địa bàn trọng điểm về thiệt hại, nguy hiểm, cung cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm, không để bất kỳ người dân nào bị thiếu đói; hỗ trợ kịp thời gia đình khó khăn, có người già, trẻ nhỏ, người ốm đau…

Bên cạnh việc kịp thời hỗ trợ, chăm lo đời sống của người dân, cần quan tâm đầy đủ về phương tiện, đồ dùng thiết yếu, thực phẩm đối với các lực lượng đang làm nhiệm vụ.

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 28.

Quang cảnh cuộc họp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, tiếp tục kiểm tra cầu cống, đê điều, phát hiện những vùng nguy cơ cao bị sạt lở để gia cố kịp thời.

Các địa phương cần phối hợp tốt trong việc xả lũ; khẩn trương khắc phục giao thông, thông tin liên lạc, điện lực; tiếp tục huy động lực lượng quân đội, công an, y tế, giao thông tập trung cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn nhất là các vùng khó khăn; khôi phục các cơ sở y tế, giáo dục, đảm bảo vệ sinh, môi trường phòng, chống dịch bệnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, cần huy động sự chung tay của toàn xã hội, tổ chức cuộc vận động quyên góp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp các địa phương bị ảnh hưởng của mưa bão; tiếp tục công tác tuyên truyền, cập nhật tình hình nhanh đến nhân dân để chủ động các phương án ứng phó với mưa lũ; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

“Phát huy vai trò lực lượng quân đội, công an trong tham gia cứu trợ nhân dân, phải chuyển tận tay đến người dân những nhu yếu phẩm cần thiết”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh./.

 Khắc phục sớm tình trạng chia cắt, cô lập do mưa lũ tại Lào Cai

Chiều tối 9/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đến thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 tại tỉnh Lào Cai.

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 29.

 

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, sớm thông đường vào các khu vực bị cô lập để tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân, không để người dân bị đói - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Theo báo cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường trình bày tại cuộc họp, đến nay, Lào Cai có 16 người thiệt mạng, 12 người mất tích, 15 người bị thương. Thống kê bước đầu số nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi là trên 1.200 nhà. Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục thống kê xác định mức độ thiệt hại.

Hiện nay, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường do huyện, xã quản lý có rất nhiều vị trí bị sạt lở, ngập nước, gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, một số điểm cầu, tràn,... bị ngập trên địa bàn tỉnh; 1 cầu dân sinh (cầu gỗ) bị nước lũ cuốn trôi tại huyện Văn Bàn. Có 9 công trình thủy lợi bị hư hại.

Ước tính thiệt hại ban đầu của tỉnh Lào Cai là trên 100 tỷ đồng.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, Lào Cai chịu nhiều ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Tỉnh có thiệt hại về người, về tài sản, ngập lụt gây chia cắt các địa phương, gây gián đoạn cung cấp các dịch vụ như điện, nước, viễn thông…

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chia sẻ với các khó khăn của tỉnh, chia buồn với các gia đình có người thân bị thiệt mạng, đang mất tích.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải bảo đảm an toàn về tính mạng cho người dân và cả sự an toàn, tính mạng của lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Có biện pháp ngăn người dân đến các nơi nguy hiểm. Khắc phục sớm tình trạng chia cắt, cô lập; tính toán làm sao sớm thông đường vào các khu vực bị cô lập để tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân, không để người dân bị đói.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai sớm thống kê, có đề xuất cụ thể, trong những trường hợp cần thiết cần chủ động đề xuất với Trung ương hỗ trợ để sớm khắc phục hậu quả mưa lũ.

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 30.

Thống kê bước đầu số nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi là trên 1.200 nhà - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn vụ sập nhịp cầu Phong Châu

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 31.

Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tại vụ sập cầu Phong Châu

 Ngay sau khi nhận được tin báo về vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. 

Phó Thủ tướng biểu dương các lực lượng quân đội, công an, cán bộ địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó sự cố.

Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát số lượng phương tiện, nạn nhân. 

Về giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị, tập trung với cầu Phong Châu phải ngăn đường, bằng rào cứng, đặt biển báo, ứng trực, không cho phương tiện đi vào.

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 32.

Hiện trường sập nhịp cầu Phong Châu

Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Quân khu 2 làm cầu phao sớm nhất, tốt nhất để bảo đảm lưu thông; chủ trì công tác tìm kiếm cứu hộ, phù hợp với điều kiện thời tiết cho phép.

Bộ Giao thông đánh giá nguyên nhân sập cầu; nghiên cứu xây dựng cầu mới đảm bảo vững chắc, lâu bền.

Đề nghị tỉnh tập trung đề xuất cấp gạo, phương tiện (xuồng, máy phát điện)… để trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Yêu cầu tỉnh khẩn trương triển khai cứu nạn, cứu hộ. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Kịp thời báo cáo lãnh đạo Chính phủ khi có vấn đề xảy ra.

 Tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lũ, sập cầu

MƯA LŨ DO ẢNH HƯỞNG BÃO SỐ 3 VÀ CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ- Ảnh 33.

Ngày 9/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 89/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của Nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến ngay hiện trường để phối hợp với đồng chí Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, triển khai ngay công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn đối với những nạn nhân vụ sập cầu. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh nêu trên tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt theo thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công an huy động ngay mọi lực lượng, phương tiện cần thiết phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các địa phương có liên quan khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân vụ sập nhịp cầu Phong Châu.

Chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan triển khai công tác khắc phục hậu quả vụ sập nhịp cầu Phong Châu và mưa lũ, sạt lở theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền được phân công.

Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền được phân công chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho lực lượng và công trình thuộc trách nhiệm quản lý.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động; tổ chức theo dõi tình hình, chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

 Hỗ trợ khẩn cấp 7 tỉnh khắc phục thiệt hại do bão số 3 

 Ngày 9/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 943/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3. 

Quyết định nêu rõ: Hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 05 địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau cơn bão số 3 (gồm: Nam Định 20 tỷ đồng, Thái Bình 30 tỷ đồng, Hải Dương 20 tỷ đồng, Yên Bái 20 tỷ đồng, Hưng Yên 10 tỷ đồng).

Trước đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 8/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại 2 tỉnh Sơn La, Điện Biên.

Cụ thể, hỗ trợ 20 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 02 địa phương để hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống ngay sau mưa lũ (Sơn La 10 tỷ đồng, Điện Biên 10 tỷ đồng) như đề nghị của Bộ Tài chính.

Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay417
  • Tháng hiện tại11,008
  • Tổng lượt truy cập201,110
dvcqgian
dvc bp
hu hq
qlvb hq
face book
BỘ PHÁP ĐIỂN
face tu hao bp
Văn bản mới

Văn bản - Chỉ đạo điều hành

58/KH-UBND

KẾ HOẠCHTổ chức Tết trung thu năm 2024

lượt xem: 27 | lượt tải:18

259/KH-UBND

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 235/KH-UBND NGÀY 16/7/2024 CỦA UBND TỈNH BÌNH PHƯỚC VÀ KẾ HOẠCH SỐ 228-KH/HU NGÀY 12/8/2024 CỦA HUYỆN ỦY HỚN QUẢN VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 27-CT/TW NGÀY 25/12/2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO C

lượt xem: 16 | lượt tải:9

263/KH-UBND

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH HẠ TẦNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

lượt xem: 14 | lượt tải:7

2408/UBND-KT

cảnh báo mưa, dông, lốc và gió giật mạnh trên địa bàn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) năm 2024

lượt xem: 13 | lượt tải:8

260/KH-UBND

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA (NGÀY 10/10) NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HỚN QUẢN

lượt xem: 13 | lượt tải:10
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây