Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục cho thanh niên nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa và động cơ của việc học tập trong chế độ mới, khắc phục cách tư duy cũ do nền giáo dục thực dân, phong kiến để lại. Người dạy: Học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức để làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà. Bên cạnh việc xác định động cơ, thái độ học tập đúng đắn, Người yêu cầu tuổi trẻ phải thực hiện học tập toàn diện và học tập phải gắn liền với rèn luyện. Người dạy thanh niên phải ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Theo Bác, muốn thành công trong công việc, phải biết kết hợp giữa học và hành một cách chặt chẽ và xuyên suốt. Lấy lý thuyết hỗ trợ cho hành động và ngược lại, lấy hành động để khẳng định sự đúng đắn của lý thuyết. Vận dụng lý thuyết vào hành động thì lý thuyết được kiểm chứng; từ đó rút kinh nghiệm, nâng cao hơn hiệu quả công việc. Học đi đôi với hành là hoàn toàn đúng đắn. Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở… phải được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả.
Khắc ghi lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân tích cực tìm hiểu và làm rõ giá trị hiện thực quan điểm của Bác trong định hướng lý luận cũng như chỉ đạo thực tiễn; quán triệt và thực hiện nghiêm 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện bộ đội; bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; kết hợp chặt chẽ huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị; giáo dục-đào tạo gắn với huấn luyện chiến đấu; huấn luyện sát nhiệm vụ, phương án chiến đấu, đối tượng tác chiến, lấy thực hành là chính; kết hợp huấn luyện với rèn luyện thể lực bộ đội. Tổ chức có chất lượng các cuộc diễn tập để nâng cao trình độ, khả năng SSCĐ, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.